Trang


CỬA  PHẬT



Tặng Uyển Chiêm


      Thí chủ ở đâu lễ chùa này ?
      Má phấn, môi hồng, bướm vờn bay.
      Bà vãi thẫn thờ, thôi quét lá
      Thiện nam, tín nữ, ngơ ngẩn say .

      Thí chủ ở đâu lễ chùa này ?
      Hương trầm nghi ngút, bỗng ngừng bay .
      Chú tiểu rơi chày, quên gõ mõ 
      Lung linh nến đỏ, nghiêng, đổ, say.

      Thí chủ ở đâu lễ chùa này ?
      Khóe mắt, chân mày, nghiêng cửa phật
      Gót sen, váy thắm, vướng lòng sư
      Còn tôi, chết lặng, vái tương tư .

       Tôi về tôi niệm nam mô
            Cầu trời, khấn phật,
                 khỏi rơi mõ chùa.
                     Tôi về tôi niệm nam mô
                         Lần tay tràng hạt
                             cho chùa khỏi nghiêng .
                                Tôi về tôi niệm nam mô
                                    Sư thành chính quả,
                                          để tôi lễ chùa.


                                      
      Hà Nội  ngày 23 tháng 11 năm 2007


1 nhận xét:

  1. Vài cảm nghĩ khi đọc bài
    "CỬA PHẬT"

    Với chủ đề ca ngợi cái đẹp thông qua hình ảnh một người nữ khách lễ chùa.Bài thơ là kết tinh
    một hồn thơ giàu chất lãng mạn trong những phút xuất thần nơi cửa phật. Với lời thơ giản dị và những điệp khúc luyến láy, bài thơ đã biểu lộ những cảm xúc dâng trào trong lòng tác giả.Đọc và ngẫm nghĩ thật kỹ chúng ta thấy được tính chân, thiện ,mỹ của bài thơ. để cụ thể hơn nhưng nhận xét này, chúng ta cùng khám phá :
    Ở khổ thơ thứ nhất, với cách vào đề giản dị "Thí chủ ở đâu lễ chùa này ?" và cách giới thiệu về người nữ khách má phấn môi hồng, một vẻ đẹp nguyên sơ, thánh thiện, không lộng lẫy, kiêu sa mà đã bướm vờn bay. Còn bà vãi ở chùa thì sao?-Thẫn thờ thôi quét lá,quên cả công việc thường nhật của mình trước một vẻ đẹp. Chỉ ngần ấy thôi đã đủ mê say lòng người, để thiện nam, tín nữ cùng ngẩn ngơ say quên cả việc thắp hương, hành lễ, cùng cái đẹp đi vào cõi phiêu bồng.
    Ở khổ thơ thứ hai, điệp từ " Thí chủ ở đâu lễ chùa này?" như một sự dẫn giải người đọc từ khổ thơ thứ nhất sang khổ thơ thứ hai, từ lâng lâng ngây ngất đến cao trào của nó là một khung cảnh huyền ảo mê say. Chú Tiểu sững sờ cảm nhận cái đẹp, rồi rơi cả chày,quên cả gõ mõ. Cao hơn nữa, những vật vô chi vô giác đã được tác giả nhân cách hóa trở nên có hồn trước sắc đẹp của người nữ khách đến lễ chùa. Hương trầm đang nghi ngút bỗng ngừng bay, không gian như nén lại. Ngọn nến cũng trở nên lung linh, huyền ảo để rồi nghiêng, đổ, say - như trạng thái thăng hoa của tác giả lúc này.
    Ở khổ thơ thứ ba " Thí chủ ở đâu lễ chùa này " được tác giả lặp lại ở khổ thơ thứ ba như điểm nhấn khẳng định nhân vật trung tâm của cảnh vật, của không gian."Thí chủ ở đâu?" có một cái gì đó làm ta trăn trở, băn khoăn, liệu có phải là duyên kỳ ngộ hay không?Để rồi tìm người nữ khách đó ở phương nào?Trong khổ thơ này, cái đẹp được miêu tả rõ đần ra : khóe mứt, chân mày nghiêng cửa phật. Nét đẹp được tác giả miêu tả thật khiêm nhường nhưng đến mê say."Có rửa thì rửa chân tay,chớ rửa lông mày chết cá ao anh", nay lại làm chao đảo, nghiêng ngả cả trốn thiên môn. Nhà sư đã xa lánh bụi hồng, đã xuống tóc quy y, ăn mày cửa phật cũng thấy tân mình lay động,cũng bận lòng, vương vấn trước vẻ đẹp-một vẻ đẹp Á Đông, thuần khiết, dung dị và có sức quyến rũ, mê say lòng người. Trước vẻ đẹp thanh tao: Gót sen, váy thắm..., không "chim sa cá lặn", không "nghiêng nước nghiêng thành", không "nguyệt thẹn hoa nhường" nhưng thử hỏi rằng "tứ đại mỹ nhân" của Trung Hoa cổ ai đã hơn ai. còn tác giả chỉ biết sững sờ trước cái đẹp để rồi "chết lặng vái tương tư". Thật hóm hỉnh!
    Ba khổ thơ đầu tác giả đã sử dụng thể thơ "thất ngôn tứ tuyệt", mỗi khổ thơ là một biệt lập có đề, thực, luận, kết đủ hay, nhưng lại kết nối đan xen nhau về không gian,về cảnh vật, về cái đẹp.
    Khổ thơ thứ tư là một điệp khúc dồn dập "Tôi về tôi niệm nam mô" được xem như một hồi chuông thức tỉnh đưa tác giả từ cõi phiêu bồng về với hiện tại, thể hiện cái tâm sáng trong lòng tác giả.Cái tâm này giúp tác giả nhận được vẻ đẹp thanh tao và làm chủ được những mê say của mình để "Cầu trời, khấn phật khỏi rơi mõ chùa", để "tay lần tràng hạt cho chùa khỏi nghiêng", "sư thành chính quả để tôi lễ chùa", đẻ đạo lý luôn được vững bền, song hành cùng cái đẹp.
    Cuối cùng, bài thơ thể hiện rõ :
    Cái chân: Sự dung dị, mộc mạc từ lời thơ đến hình ảnh người nữ khách được miêu tả trong bài thơ.
    Cái thiện: Sự bừng tỉnh sau những phút ngất ngây say. Đó là sự thành công của tác giả về chủ đè miêu tả cái đẹp - một vẻ đẹp vĩnh hằng mãi được tôn vinh. Nó cứ làm nôn nao lòng người đọc.
    Cái mỹ: Cái đẹp đến đỉnh cao làm cho không gian như nén lại, vũ trụ như ngừng quay, con người thì ngẩn ngơ.

    Trả lờiXóa